Mạng không dây Wifi là một trong những hệ thống mạng được dùng phổ biến trong các doanh nghiệp và điểm truy cập internet công cộng và ưu điểm về khả năng dễ triển khai, tiết kiệm chi phí vật tư phụ kiện thi công lắp đặt. Điểm chung của các hệ thống mạng Wifi không dây là tính tiện dụng, người dùng không cần phải cắm dây mạng trực tiếp vào các thiết bị như máy tính, điện thoại smartphone, máy in, .v.v., mà chỉ cần có các thông tin về tên mạng, mật khẩu và nằm trong vùng phủ sóng là có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, với yêu cầu chuyên phục vụ cho kinh doanh, nên điểm khác biệt lớn nhất của một hệ thống mạng Wifi doanh nghiệp là khả năng truyền tải rất nhiều loại dữ liệu như VoIP, Video, truyền hình hội nghị trực tuyến, email, in ấn..v.v. Mạng Wi-Fi cấp doanh nghiệp này không những cần đảm bảo băng thông mạnh mẽ, mà còn cần tính ổn định tốt, độ tin cậy cao để giảm thiểu sự ngắt quãng trong công việc và ảnh hưởng tới các cơ hội kinh doanh. Do vậy người dùng thường cần một bản thiết kế mạng Wi-Fi tối ưu, từ công tác khảo sát địa điểm lắp đặt, phân tích vùng phủ sóng, cho tới lựa chọn các thiết bị mạng không dây Wi-Fi Router/Access Point và có dây Switch/PoE để có thể có một hệ thống mạng Wifi mạnh mẽ, tin cậy cho doanh nghiệp của mình.
Sự khác nhau giữa mạng Wi-Fi gia đình và mạng Wi-Fi doanh nghiệp là gì?
Sự khác biệt cơ bản nằm ở các yêu cầu đặt ra cho các mạng này, có các yêu cầu khác nhau đối với mạng gia đình và nhiều mong đợi, tiêu chuẩn hơn từ mạng công ty, doanh nghiệp. Mạng gia đình thường có ít người sử dụng và chủ yếu là các ứng dụng giải trí xem video, game trên Internet. Các mạng công ty, doanh nghiệp cần hoạt động liên tục, đáp ứng được số lượng người dùng lớn, đôi khi có tới vài nghìn thiết bị tập trung ở mỗi tầng hoặc trong không gian mở. Bên cạnh đó, người dùng doanh nghiệp làm việc, chia sẻ file, in ấn, truy cấp dữ liệu, liên lạc, hội nghị truyền hình… nên băng thông, độ tin cậy, tính ổn định luôn đặt nên hàng đầu.
Lập kế hoạch khảo sát và thiết kế mạng Wifi doanh nghiệp.
Việc lập kế hoạch phụ thuộc vào ứng dụng của mạng và môi trường mà nó sẽ hoạt động. Đây có thể là mạng không dây mật độ cao, ví dụ: trong các tòa nhà văn phòng, bệnh viện, trường học, khách sạn, resort nhà hàng, có mật độ thiết bị đầu cuối cao, hoặc có thể là mạng dành cho xưởng sản xuất, kho bãi nơi có mật độ thiết bị IoT cao. Mỗi trường hợp sẽ yêu cầu một cách tiếp cận thiết kế khác nhau, từ đó có thể chọn đúng chủng loại thiết bị mạng để xây dựng topology mạng phù hợp với nhu cầu.
Dưới đây là các công đoạn chính trước khi thực hiện thi công lắp đặt mạng LAN-Wi-Fi doanh nghiệp:
- Khảo sát và xác định điểm lắp đặt tại khu vực.
- Đặc điểm của từng khu vực lắp đặt: diện tích, vật cản gây ảnh hưởng tới sóng Wifi như tường, nguồn điện,…
- Số lượng người/số lượng thiết bị thường xuyên (ví dụ khu vực văn phòng).
- Số lượng người/thiết bị vãng lai (ví dụ khu vực phòng họp, khu vực chờ quầy lễ tân các công ty/khách sạn, resort,. .)
- Vị trí lắp đặt trong nhà (trong văn phòng, trong nhà, .v.v. nơi có điều kiện nhiệt độ bình thường 0~40 độ C) hay ngoài trời (sân bay, kho bãi, ban công, hành lang,… nơi có nhiệt độ khắc nghiệt -40 ~75 độ C, bụi, ẩm).
- Hạ tầng kết nối: dùng mạng PoE (dùng Switch cấp nguồn PoE) hay mạng Ethernet thông thường.
- Khoảng cách giữa các điểm lắp đặt Wifi (cân nhắc dùng switch quang hoặc Switch điện RJ45).
- Nên khảo sát bằng cách quan sát trên Smartphone có cài ứng dụng Wifi Analyzer, hoặc sử dụng máy đo mạng Wi-Fi chuyên dùng VeEX WX150 để trợ giúp.
Để khởi đầu, điều đầu tiên trước khi bắt tay vào việc thiết kế mạng Wifi doanh nghiệp là cần khảo sát, xác định có bao nhiêu điểm truy cập được yêu cầu để cung cấp vùng phủ sóng trong cách bố trí tiết kiệm nhất. Điều tiếp theo là xem xét cách bố trí không gian, vật cản như vách ngăn, đồ nội thất, tính thẩm mỹ, truyền tín hiệu vô tuyến qua các tầng hoặc giữa các phòng, nhiễu từ các mạng khác, khả năng kết nối với mạng LAN có dây, v.v.,
Khảo sát với các công cụ đo lường và thiết kế Wi-Fi chuyên dụng
Sự hỗ trợ của các công cụ chuyên nghiệp để đo lường hoặc thiết kế mạng giúp tăng cao thành công cho một hệ thống mạng Wi-Fi không dây doanh nghiệp. Công cụ đo lường sóng Wifi giúp các kỹ thuật viên phân tích được vùng phủ khả dụng để phân vùng, cũng như phân tích các đặc điểm của các phân vùng này về độ suy giảm tín hiệu, cường độ sóng, nguồn gây nhiễu, kênh truyền tối ưu tại tần số 2.4GHz và 5GHz. Chỉ trên cơ sở đó kỹ thuật viên có thể dễ dàng lên được kế hoạch phân phối các điểm truy cập Wi-Fi, kết nối với mạng có dây, vị trí lắp đặt thiết bị, v.v., Các công cụ có thể cân nhắc:
- Miễn phí: Chọn và quan sát, phân tích tín hiệu trên ứng dụng Wifi Analyzer phù hợp cài đặt trên Smartphone hoặc máy tính PC.
- Mua thiết bị đo chuyên dùng: máy đo mạng Wi-Fi chuyên dùng VeEX WX150 giúp kỹ thuật viên nhiều việc quan trọng, như khảo sát vùng phủ sóng, đo cường độ tín hiệu, phân tích nhiễu, đo hiệu năng thiết bị Wifi, thiết bị mạng và dây cáp mạng,…

Nếu một cuộc khảo sát không được thực hiện, thì tất cả các yếu tố tiêu cực được đề cập có thể gây ra ảnh hưởng của mạng không dây kém, do đó, các vấn đề như vùng phủ sóng bị tối, thiếu thông lượng do nhiễu, không đủ điểm truy cập để phục vụ cho người dùng đồng thời hoặc tốn tài nguyên do quá nhiều Wifi Access Point. Nếu bạn đang là nhà thầu thực hiện thi công lắp đặt cho khách hàng, thiếu công đoạn này còn tệ hơn khi tổn thất về tiền bạc, uy tín, công sức.
Lựa chọn thiết bị cho mạng Wi-Fi doanh nghiệp
Để lập kế hoạch và thiết kế các thành phần của cơ sở hạ tầng mạng công ty, chúng ta nên sử dụng thiết bị phù hợp với loại mạng cụ thể đó.
Mạng Wifi cho văn phòng, chi nhánh nhỏ
Wifi Network cho văn phòng, chi nhánh nhỏ thường có số thiết bị dùng thường xuyên 50~200, tương đương chừng 100 users. Nhu cầu của phân khúc này thường là sẽ là Wifi đơn giản và mong muốn tiết kiệm chi phí đầu tư tối đa, đơn giản hóa việc vận hành, bảo trì, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy cần thiết.
Trong thực tế, thiết bị ONT có chức năng Wifi của nhà mạng cung cấp kèm các gói dịch vụ internet chỉ có thể đáp ứng được ~ 15 thiết bị dùng thường xuyên trong một văn phòng diện tích chừng 50m2. Do vậy, nếu doanh nghiệp có số lượng người dùng ít, thì có thể tân dụng luôn Modem Wifi của nhà mạng mà không cần đầu tư mới.
Tuy nhiên với số người dùng lớn > 20 người và với diện tích văn phòng lớn hơn, cần dùng nhiều các tính năng chuyên nghiệp hơn như VoIP, hội nghị truyền hình trực tuyến, nhiều các thiết bị IT,… thì cần thay thế bằng thiết bị Wifi Router/AP, hoặc thêm một vài các Wifi AP (ốp trần/treo tường/âm tường ) chuyên dụng, có thể kết hợp với các thiết bị Unmanaged Switch (có PoE hoặc không) chuyên dùng cho doanh nghiệp để có một hệ thống mạng Wifi mạnh mẽ hơn, đảm bảo về tải và khả năng phủ sóng tới đầy đủ các vị trí trong văn phòng.

Mạng Wifi cho doanh nghiệp lớn
Đặc điểm của các doanh nghiệp lớn là có số lượng người dùng thường xuyên nhiều, từ vài trăm tới vài nghìn users, với các phòng ban nằm rải rác ở các vị trí khác nhau trong một diện tích lớn, thậm chí cần cả những điểm truy cập Wifi ở ngoài trời. Do vậy, hệ thống mạng Wifi cho doanh nghiệp lớn được tích hợp bởi nhiều loại thiết bị mạng khác nhau, có chức năng quản lý để tiện dùng cho việc giám sát chất lượng mạng, chẩn đoán, xử lý sự cố, cấu hình thiết bị từ xa,…

Do vậy người dùng sẽ cần phải chọn đúng các thiết bị Wifi AP phù hợp với thiết kế lắp đặt trong nhà (Indoor Wifi AP), ngoài trời (outdoor Wifi AP), cũng như treo tường (Ceiling-Mount), treo trường (Wall-Mount), âm tường (In-Mount) để đảm bảo mỹ quan hiệu năng hoạt động và độ bền bỉ, tin cậy của hệ thống, đặc biệt là các điểm lắp đặt ngoài trời trên hè phố hoặc các khu công nghiệp. Các bộ phát Wifi AP này sẽ được kết nối tới các thiết bị chia mạng Switch RJ45 hoặc Switch quang, có thể là Unmanaged Switch, Switch PoE, Switch công nghiệp, Managed Switch Layer 2, Managed Switch Layer 3 tùy theo khoảng cách và chất lượng dữ liệu cần truyền.

Hệ thống Wifi này cũng cần có thiết bị quản lý Wifi chuyên dụng (Wifi AP Controller) giúp các quản trị viên có thể giám sát QoS và kiểm soát, xử lý lỗi hệ thống tập trung tại một nơi, giúp tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì và giảm số nhân sự IT chuyên nghiệp.
Mạng Wifi chuyên nghiệp có chức năng quản lý đồng bộ cho doanh nghiệp
Đây là mạng Wifi sử dụng toàn bộ các thiết bị mạng đồng bộ của 1 hãng, có chức năng quản lý, bao gồm các thiết bị Managed Wifi AP, Managed Switch Layer 2, Managed Switch Layer 3 với thiết bị quản lý đồng bộ cho toàn bộ thiết bị mạng trong hệ thống. Bên cạnh đó, thậm chí quản trị viên còn có thể quản lý các thiết bị khác như VoIP, Camera Ip dễ dàng trên 1 giao diện GUI duy nhất.

Sử dụng hệ thống mạng nói chung, mạng Wifi nói riêng một cách đồng bộ mang lại các lợi ích thiết thực, như:
- Chẩn đoán, xử lý sự cố của từng thiết bị mạng Switch, Wifi, Camera IP, VoIP chính xác theo từng vị trí.

- Lập lịch hoạt động cho các node mạng, nâng cao hiệu quả truyền dữ liệu và tiết kiệm điện năng

- Cấu hình, quản lý thiết bị mạng, giám sát tập trung dễ dàng và tiện lợi.

Việc sử dụng đồng bộ các thiết bị mạng trong cho một hệ thống giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì cho doanh nghiệp.
Một mạng Wifi doanh nghiệp mạnh mẽ luôn là mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp nào, chúng không những giảm thiểu tình trạng bị mất sóng, kém ổn định và in/out liên tục do bị quá tải, mà còn giúp người dùng có được trải nghiệm tốt với các ứng dụng truyền thông hoạt động trơn tru, mượt mà hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Lập hồ sơ nghiệm thu mạng Wi-Fi sau khi thi công lắp đặt
Sau khi thiết kế và thi công lắp đặt mạng Wi-Fi, các kỹ thuật viên cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống để đảm bảo hiệu suất truy cập tốt để đảm bảo trải nghiệm sử dụng của người dùng cuối. Các bài đo kiểm tra có thể thực hiện đơn giản bằng cách quan sát trên Smartphone có cài ứng dụng Speedtest, hoặc sử dụng máy đo hiệu suất mạng chuyên dụng cho mạng Wifi không dây và có dây kèm phần mềm quản lý, báo cáo kết quả chuyên nghiệp.

Các bài đo tập trung chính vào các chỉ tiêu:
- Tốc độ truy cập mạng nội bộ có dây Ethernet và không dây Wifi.
- Hiệu suất thông lượng của mạng và các thiết bị mạng điểm cuối-điểm cuối (End-to-End).
- Tốc độ truyền tải file (Download/Upload) FTP/HTTP.
- Tốc độ truy cập Internet.
- Kiểm tra trải nghiệm sử dụng bằng Web-Brower.
- Lập hồ sơ nghiệm thu với các báo cáo chuyên nghiệp bằng máy đo chuyên dụng VeEX WX150.
Để đảm bảo các kết nối vật lý, cấu hình, hiệu suất thiết bị mạng được tối ưu nhất, đúng với thiết kế ban đầu và đúng với mong muốn của chủ đầu tư.
